1. Mẫu đơn xin nghỉ phép đi chữa bệnh được hiểu như thế nào?
Mẫu đơn xin nghỉ phép đi chữa bệnh là một dạng mẫu đơn xin nghỉ phép của một cá nhân gửi đến cấp trên hay lãnh đạo nơi mình đang công tác, làm việc, hoặc những phòng ban có liên quan để xin nghỉ đi chữa bệnh.
Đơn xin nghỉ phép đi chữa bệnh là văn bản được soạn thảo theo thể thức văn bản hành chính, được sử dụng trong trường hợp muốn xin nghỉ phép nhằm mục đích đi chữa bệnh. Mẫu này có thể được thể hiện dưới hình thức viết tay hoặc đánh máy.
Tùy thuộc vào chế độ chính sách của mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp mà người lao động có thể được hưởng những quyền lợi nhất định khi bị ốm. Với những công ty, doanh nghiệp có chế độ phúc lợi tốt, trong thời gian nghỉ ốm, người lao động không chỉ được động viên thăm hỏi bằng tinh thần mà còn được hỗ trợ bằng vật chất. Ngoài các chế độ được hưởng từ người sử dụng lao động, người lao động khi tham gia bảo hiểm xã hội còn được hưởng những chế độ ốm đau theo quy định.
Như vậy, mẫu đơn xin nghỉ phép đi khám chữa bệnh là mẫu đơn xin nghỉ phép thông thường hoặc không lương trong trường hợp người lao động nghỉ phép dài ngày không hưởng lương. Hình thức mẫu đơn này giống như những mẫu đơn xin nghỉ phép thông thường chỉ khác nhau về tên đơn và nêu rõ nội dung xin nghỉ phép là đi khám chữa bệnh. Người lao động cần lưu ý rằng, để đảm bảo quyền lợi của mình trong một số trường hợp, người lao động muốn nghỉ phép đi khám chữa bệnh vẫn cần phải có đơn có sự đồng ý của người sử dụng lao động.
2. Hướng dẫn cách viết đơn xin nghỉ phép để chữa bệnh
Tương tự như các mẫu đơn xin nghỉ phép thông thường, đơn xin nghỉ phép để chữa bệnh bao gồm ba phần riêng biệt, đó là : mở đầu, nội dung và kết thúc đơn.
– Về phần mở đầu đơn: Phần mở đầu đơn cũng tương tự như các văn bản hành chính khác, cần ghi rõ tên quốc hiệu và tiêu ngữ, được viết giữa dòng và đúng theo quy chuẩn. Sau đó là ghi ngày tháng năm làm đơn và ghi tiêu đề của đơn to và rõ ràng : “ĐƠN XIN NGHỈ PHÉP”. Sau đó, người soạn đơn có thể ghi thêm tên của những văn bản làm căn cứ để viết đơn, ví dụ như: Căn cứ vào Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014; Căn cứ vào điều lệ công ty;…
Trong phần địa chỉ nhận đơn, thông thường lá đơn sẽ được gửi đến 03 địa chỉ: Lãnh đọa phòng ban nơi người viết đơn đang làm việc, Phòng Hành chính – Nhân sự và Ban Giám đốc công ty. Cuối cùng trong phần mở đầu đơn, người viết cần cung cấp những thông tin cá nhân của bản thân và phương thức liên lạc, như là: Họ và tên, ngày sinh, chức vụ, nơi làm việc và số điện thoại liên lạc.
– Về phần nội dung đơn: Phần nội dung này sẽ bao gồm lý do xin nghỉ phép và cam đoan của người viết đơn. Người viết đơn cần ghi rõ bản thân có nguyện vọng xin nghỉ để chữa bệnh bắt đầu từ ngày tháng nào và kết thúc vào ngày tháng nào?; Trong thời gian nghỉ để điều trị bệnh người viết đơn đã bàn giao công việc cho ai? Ghi thông tin của người được bàn giao lại công việc.
Tiếp theo, người viết đơn cần cam đoan những thông tin mình khai trong đơn xin nghỉ để chữa bệnh là đúng với sự thật và bản thân người viết sẽ quay trở lại làm việc sau khoảng thời gian khi kết thúc thời gian xin nghỉ việc theo đúng ngày tháng được ghi trong đơn. Đảm bảo vẫn theo dõi và đảm bảo được tiến trình công việc. Bên cạnh đó, người viết đơn cũng cần đề cập đến những giấy tờ gửi kèm theo mục đích chứng thực thông tin.
– Về phần kết thúc đơn: Người viết đơn một lần nữa thể hiện nguyện vọng được nghỉ phép của mình để đi chữa bệnh, đảm bảo yêu cầu về sức khỏe khi thực hiện công việc và gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các phòng ban lãnh đạo của công ty. Sau đó người viết đơn cần ký và ghi rõ họ tên là đã hoàn thành xong việc soạn thảo đơn xin nghỉ việc để chữa bệnh và nộp cho bộ phận, phòng ban có chức năng giải quyết phù hợp.
3. Những lưu ý khi viết đơn xin nghỉ phép để chữa bệnh
Để ban lãnh đạo công ty phê duyệt đơn xin nghỉ phép thì người viết đơn cần đảm bảo đúng với nội dung và hình thức của đơn xin nghỉ phép, cũng như cần trình bày lý do hợp lý cho một khoảng thời gian xin nghỉ để đi chữa bệnh. Cụ thể, người viết đơn cần lưu ý một số điều như sau:
- Tuân thủ đúng quy định về cách trình bày và ngôn ngữ sử dụng trong đơn xin nghỉ việc để điều trị bệnh;
- Trước khi viết đơn xin nghỉ việc để điều trị bệnh, người viết cần hiểu rõ những quy định về việc xin nghỉ để chữa bệnh và quyền lợi, nghĩa vụ của mình đối với công ty để lựa chọn số ngày nghỉ và hình thức nghỉ phù hợp nhất;
- Người viết cần cung cấp kèm theo đơn những chứng cứ liên quan đến việc nghỉ để chữa bệnh của bản thân để chứng minh những thông tin trong lá đơn là đúng sự thật;
- Cố gắng thu xếp và bàn giao lại công việc để không làm ảnh hưởng quá nhiều đến công ty. Cần đảm bảo rằng đối bới nội dung công việc cần bản giao được ghi trong đơn thì người viết đơn cần phải có sự bàn bạc trước với người được bàn giao đó và cần ghi lại cụ thể nội dung của công việc được bàn giao;
- Cam kết về thời gian kết thúc nghỉ phép và quay trở lại làm việc khi hết thời giạn nghỉ phép;
- Thông báo về việc nghỉ phép và nộp trong thời gian sớm nhất có thể để công ty kịp thời xử lý và phân bổ công việc hợp lý.
– Một số lưu ý về chế độ nghỉ phép khi ốm đau theo quy định của pháp luật.
+ Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành, ngoài chế độ người lao động được hưởng từ công ty, doanh nghiệp nơi mình làm việc thì người lao động khi tham gia bảo hiểm xã hổi còn được hưởng chế độ ốm đâu trong một số trường hợp cụ thể sau đây:
- Bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tại nạn lao động phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền, ngoiaj trừ trường hợp tự hủy hoại sức khỏe, do say rượu hoặc sử dụng chất ma túy, tiền chất ma túy;
- Phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 07 tuổi bị ốm đau và có xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền.
Theo đó, tùy thuộc vào thời gian tham gia bảo hiểm xã hội và điều kiện là việc của người lao động sẽ được nghỉ ốm từ 30 đến 70 ngày. Trường hợp mắc bệnh cần chữa trị lâu dàu thì được nghỉ nhiều nhất là 180 ngày, nếu hết thời gian này vẫn tiếp tục điều trị thì được nghỉ tối đa bằng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội. Trong thời gian nghỉ ốm này, người lao động được hưởng chế độ với mức hưởng hàng tháng bằng 75 % mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ.
+ Theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019, quy định nghỉ hằng năm với người lao động như sau:
Người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:
- 12 ngày làm việc đối với một người làm công việc trong điều kiện bình thường;
- 14 ngày làm việc đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định;
- 16 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định.
Người lao động làm việc chưa đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm theo tỷ lệ tương ứng với số tháng làm việc.
Cứ đủ 05 năm là việc cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hàng năm của người lao động được tăng thêm tương ứng 01 ngày. Người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ hằng năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 03 ngày làm việc.
– Một số lưu ý về các giấy tờ cần nộp sau khi quay lại làm việc:
Sau khi được lạnh đạo cơ quan mà người lao động đang làm viễ xét duyệt cho nghỉ để chữa bệnh, đến thời gian quay trở lại làm việc, người lao động phải trình lên cơ quan làm viễ những giấy tờ sau đây:
- Giấy ra viện có xác nhận của bệnh viên, trong trường hợp điều trị nội trú;
- Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội có dấu xác nhận, trong trường hợp điều trị ngoại trú;
- Giấy khám chữa bệnh bản dịch ra tiếng Việt, trong trường hợp đi điều trị bệnh ở nước ngoài
Như vậy, khi tiến hành xin nghỉ phép người có nhu cầu cần xem xét mình đang thuộc trường hợp xin nghỉ phép nào và thời gian được nghỉ phép của mình là bao nhiêu ngày để làm mẫu đơn xin nghỉ phép phù hợp. Trong trường hợp xin nghỉ phép để chữa bệnh trong một thời gian dài, người lao động có thể làm mẫu đơn xin nghỉ phép không hưởng lương. Bên cạnh đó nếu người lao động bắt buộc phải xin nghỉ do ốm đau, tai nạn mà không tính vào tai nạn lao động thì sẽ được hưởng thêm chế độ ốm đau khi đã tham gia bảo hiểm xã hội. Khi viết đơn xin nghỉ phép người lao động cần chú ý về nội dung, hình thức đơn và đặc biệt là lý do xin nghỉ phép để nhanh chóng được cơ quan giải quyết và chấp thuận.
4. Mẫu đơn xin nghỉ phép đi chữa bệnh
Luật LVN Group xin cung cấp mẫu đơn xin nghỉ đi chữa bệnh dưới đây:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
ĐƠN XIN NGHỈ PHÉP
Kính gửi: – Ban giám đốc – Công Ty TNHH MTV XYZ
– Trưởng phòng Tổ chức – Hành chính – Quản trị
– Trưởng phòng kinh doanh
Tên tôi là : Lê Thị Hoàng M Nam/Nữ: Nữ
Ngày, tháng, năm sinh: 09 /02/ 199x tại Bệnh viện đa khoa tỉnh xx
Địa chỉ thường trú: Số nhà 12s, đường xxx, phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.
Điện thoại liên hệ khi cần: 093476xxx
Đơn vị công tác: Phòng kinh doanh Chức vụ: Nhân viên kinh doanh
Nay tôi là đơn này xin đề nghị Ban lãnh đạo – Công ty cho tôi được nghỉ phép để chữa bệnh.
Từ : 7 giờ 30 phút, ngày 12 tháng 07 năm 2022
Đến: 17 giờ 30 phút ngày 14 tháng 07 năm 2022
Lý do: Tôi đi khám và chữa bệnh về mắt tại Bệnh viện mắt trung ương tại địa chỉ 85 phố Bà Triệu, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.
Tôi đã bàn giao công việc trong thời gian nghỉ phép cho bà : Hoàng Thị Nam A là đồng nghiệp của tôi. Bà Hoàng Thị Nam A sẽ thay thế tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao theo quy định. Tôi xin hứa sẽ cập nhật đầy đủ nội dung công tác trong thời gian vắng. Kính mong quý công ty xem xét và chấp thuận.
Tôi xin trân trọng cảm ơn!
Hà Nội, ngày 10 tháng 07 năm 2022
Ban Giám đốc (Duyệt) |
Phòng Tổ chức – Hành chính – Quản trị (Xác nhận) |
Ý kiến của Trưởng đơn vị (Nêu ý kiến cụ thể, ký và ghi rõ họ tên) |
Người làm đơn (Ký và gi rõ họ tên) |
In / Sửa biểu mẫu
Trên đây là bài viết tham khảo của công ty Luật LVN Group về mẫu đơn xin nghỉ phép để chữa bệnh. Hi vọng bài viết này sẽ cung cấp những thông tin hữu ích cho quý khách hàng khi tìm hiểu về những thông tin liên quan về chế dộ nghỉ phép, các viết đơn xin nghỉ phép để khám bệnh và một số điều cần biết để chú ý khi viết đơn xin nghỉ phép đối với người lao động.
Nếu quý khách hàng còn bất kỳ vướng mắc, không hiểu nào về vấn đề này hay bất kỳ vấn đề pháp lý liên quan nào khác, quý khách hàng vui lòng liên hệ qua số tổng đài 1900.0191 để nhận được sự tư vấn miễn phí từ đội ngũ Luật sư của LVN Group và chuyên viên pháp lý giàu kinh nghiệm của công ty Luật LVN Group chúng tôi. Xin chân thành cảm ơn sự hợp tác từ quý khách hàng!