1. Tố cáo cán bộ, công chức được hiểu như thế nào?

Căn cứ tại Điều 2 Luật Tố cáo 2018 quy định như sau: 

1. Tố cáo là việc cá nhân theo thủ tục quy định của Luật này báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, bao gồm:

a) Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ;

b) Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực.

2. Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ là tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của các đối tượng sau đây:

a) Cán bộ, công chức, viên chức; người khác được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ;

b) Người không còn là cán bộ, công chức, viên chức nhưng đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian là cán bộ, công chức, viên chức; người không còn được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhưng đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ;

c) Cơ quan, tổ chức.

3. Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực là tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào về việc chấp hành quy định của pháp luật, trừ hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ.

Như vậy với quy định nêu trên ta có thể hiểu: trường hợp cá nhân biết về hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ hoặc vi phạm trong việc quản lý nhà nước của cán bộ, công chức mà hành vi đó gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân, theo đó khi phát hiện hành vi trên, cá nhân thực hiện báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết được hành vi vi phạm của cán bộ, công chức nêu trên.

 

2. Có bao nhiêu hình thức tố cáo cá bộ, công chức?

Căn cứ tại Điều 22 Luật Tố cáo 2018 ta có hai hình thức tổ cáo đó là bằng đơn tố cáo hoặc bằng hình thức trình bày trực tiếp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền:

– Tố cáo bằng đơn tố cáo: Đơn tố cáo được trình bày theo mẫu, mẫu đơn tố cáo cán bộ, công chức là mẫu văn bản trình bày các thông tin của người bị tố cáo ( cán bộ, công chức) cùng với những hành vi vi phạm mà họ gây ra để gửi và thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để họ có những biện pháp xử lý và ngăn ngừa những hậu quả có thể xảy ra gây thiệt hại cho cá nhân, cho xã hội nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chung hợp pháp.

– Tố cáo bằng hình thức trình bày trực tiếp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền:

+ Người tiếp nhận hướng dẫn người tố cáo viết đơn tố cáo hoặc ghi lại nội dung tố cáo bằng văn bản và yêu cầu người tố cáo ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản, trong đó ghi rõ các nội dung như mục.

+ Trường hợp nhiều người cùng tố cáo về cùng một nội dung thì người tiếp nhận hướng dẫn người tố cáo cử đại diện viết đơn tố cáo hoặc ghi lại nội dung tố cáo bằng văn bản và yêu cầu những người tố cáo ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản.

 

3. Mẫu đơn tố cáo và cách viết mẫu đơn tố cáo cán bộ, công chức theo quy định.

Khi phát hiện hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, công dân thực hiện viết đơn tố cáo gửi đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo mẫu đơn tố cáo dưới đây:

Tải về

 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

————–
 

ĐƠN TỐ CÁO

(v/v Công an hành hung, gây thương tích cho người tham gia giao thông khi thi hành nhiệm vụ)

 

Kính gửi: ……………………  (Gửi đến cơ quan cấp trên, người đứng đầu quản lý cán bộ, công chức thực hiện hành vi vi phạm, Ví dụ:Công an quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội  )

Họ và tên: ………… (Ghi rõ họ tên của người tố cáo, ví dụ: Nguyễn Văn H); Sinh ngày: 09/02/1996

Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân: ……….. (Ví dụ: 036301xxxxxx)

Ngày cấp: 05./10/2020 , Nơi cấp: Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội

Hộ khẩu thường trú: ……………. (Ghi rõ địa chỉ của người tố cáo, ví dụ: số nhà 25, ngõ 300 phạm Văn Đồng, phường Mai Dịch,  quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội)

Chỗ ở hiện tại: ………………. (phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội)

Số điện thoại liên hệ: ………………………………………………

Tôi làm đơn này tố cáo và đề nghị Quý cơ quan tiến hành điều tra, xử lý đối với hành vi vi phạm pháp luật của:

Ông/Bà/Anh/Chị: ………….. (Ghi rõ họ tên của cán bộ, công chức bị tố cáo, ví dụ: Nguyễn Xuân H), sinh ngày: ……… 

Hộ khẩu thường trú: ………………………(Ghi rõ nơi ở và hộ khẩu của người bị tố cáo)

Chỗ ở hiện tại: ………………………………………………………… 

Vì Ông/Bà/Anh/Chị …Nguyễn Xuân H ………….. đã có hành vi vi phạm khi thực hiện nhiệm vụ đó là hành hung dã man và gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe của tôi, hiện nay tôi phải nhập viện do bị trấn thương cổ tay, chân và nhiều bộ phận khác trên cơ thể

Sự việc cụ thể như sau: ( Trình bày cụ thể nguyên nhân, diễn biến và thiệt hại do bên cán bộ, công chức vi phạm)

Ngày 22/09/2022 tôi có điều khiển chiếc xe phân khối lớn, biển số…… trên đoạn đường Cầu Giấy trở về nhà, tôi có dừng đèn đỏ và khi còn lại 1 giây thì tôi di chuyển, đến đoạn Xuân Thủy thì công an chặn lại tôi sợ và hốt hoảng nên tôi phi nhanh để không bị xử phạt, lúc đó, chiến sỹ công an dùng gậy vụt vào tay tôi, kéo xe tôi lại tấp vào lề đường và dùng những lời chửi bới, lăng mạ cùng với hành vi cầm gậy đánh vào chấn, đạp đấm….tôi không chống cự lại. Một lúc sau chiến sỹ đó dừng đánh và nói rằng tôi vi phạm vượt đèn đỏ và chống người thi hành công vụ, tôi và chiến sỹ có cãi nhau qua lại nhưng cuối cùng vẫn bị xử phạt vi phạm hành chính. Sau đó trở về người tôi ê ẩm nên người nhà đưa tôi đến bệnh viện thăm khám, đến đây bác sỹ chẩn đoán tôi bị đa chấn thương vùng tay, chân…

Căn cứ tại Điều 137 Bộ luật Hình sự năm 2015, sử đổi, bổ sung năm 2017,Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Tố cáo 2018…Tôi nhận thấy chiến sỹ này đã vượt quá thẩm quyền theo quy định, thực hiện hành vi vi phạm gây tổn hại đến sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của mình nên nay tôi làm đơn tố cáo, mong cơ quan có thẩm quyền vào cuộc điều tra và xử lý những hành vi vi phạm đối với chiến sỹ công an, và yêu cầu chiến sỹ đó bồi thường về vật chất cũng như tinh thần cho tôi!

Chứng cứ kèm theo: Ngoài ra, tôi còn có những bằng chứng về hành vi vi phạm của chiến sỹ công an như camera nhà dân và camera hành trình, người chứng kiến và bệnh án có chẩn đoán, kết luận, giám định của bác sỹ.

Ngoài ra, người viết đơn nếu có yêu cầu, kiến nghị thêm thì trình bày rõ trong đơn.

Tôi cam kết toàn bộ nội dung đã trình bày trên là hoàn toàn đúng sự thật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về những điều trình bày trên. Kính mong Quý cơ quan xem xét và giải quyết theo đúng quy định pháp luật.

Tôi xin chân thành cảm ơn!

Hà Nội, ngày 12 tháng 10 năm 2022 

Người khởi kiện

H
 

Nguyễn Văn H

 

In / Sửa biểu mẫu

* Lưu ý: Để bảo vệ bí mật thông tin của người tố cáo trong những trường hợp cụ thể Luật Tố cáo quy định lược bỏ thông tin người tố cáo ra khỏi đơn tố cáo bằng những biện pháp như sau:

– Giữ bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích và các thông tin cá nhân khác của người tố cáo trong quá trình khai thác, sử dụng thông tin, tài liệu do người tố cáo cung cấp;

– Lược bỏ họ tên, địa chỉ, bút tích, các thông tin cá nhân khác của người tố cáo ra khỏi đơn tố cáo và các tài liệu, chứng cứ kèm theo để quản lý theo chế độ mật khi giao cơ quan, tổ chức, cá nhân xác minh nội dung tố cáo;

–  Bảo vệ bí mật thông tin cho người tố cáo khi làm việc trực tiếp với người bị tố cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan bằng cách bố trí thời gian, địa điểm, lựa chọn phương thức làm việc phù hợp để

– Áp dụng biện pháp khác theo quy định của pháp luật;

– Đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan áp dụng biện pháp cần thiết để giữ bí mật thông tin của người tố cáo.

 

4. Trình tự, thủ tục thực hiện tố cáo cán bộ, công chức.

Sau khi làm xong đơn tố cáo, thu thập những chứng cứ kèm theo thì tiến hành nộp đơn tố cáo, cụ thể như sau:

Bước 1: Nộp đơn tố cáo tại cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo có trách nhiệm tổ chức việc tiếp nhận tố cáo. Người tố cáo có trách nhiệm tố cáo đến đúng địa chỉ tiếp nhận tố cáo mà cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo đã công bố.

Bước 2: Thụ lý đơn tố cáo: Trường hợp thụ lý đơn tố cáo khi đủ điều kiện sau: 

– Đơn tố cáo được thực hiện đúng quy định:

+ Nếu thực hiện tố cáo bằng cách viết đơn thì trong đơn tố cáo phải ghi rõ ngày, tháng, năm tố cáo; họ tên, địa chỉ của người tố cáo, cách thức liên hệ với người tố cáo; hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo; người bị tố cáo và các thông tin khác có liên quan. Nếu nhiều người cùng tố cáo về cùng một nội dung thì trong đơn tố cáo sẽ ghi rõ họ tên, địa chỉ, cách thức liên hệ với từng người tố cáo; họ tên của người đại diện cho những người tố cáo. Ngoài ra, người tố cáo phải ký tên hoặc điểm chỉ vào đơn tố cáo.

+ Nếu người tố cáo đến tố cáo trực tiếp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thì người tiếp nhận hướng dẫn người tố cáo viết đơn tố cáo hoặc ghi lại nội dung tố cáo bằng văn bản và yêu cầu người tố cáo ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản, trong đó ghi rõ nội dung theo quy định. Trường hợp nhiều người cùng tố cáo về cùng một nội dung thì người tiếp nhận hướng dẫn người tố cáo cử đại diện viết đơn tố cáo hoặc ghi lại nội dung tố cáo bằng văn bản và yêu cầu những người tố cáo ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản.

+ Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo có trách nhiệm tổ chức việc tiếp nhận tố cáo. Người tố cáo có trách nhiệm tố cáo đến đúng địa chỉ tiếp nhận tố cáo mà cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo đã công bố.

– Người tố cáo có đủ năng lực hành vi dân sự; trường hợp không có đủ năng lực hành vi dân sự thì phải có người đại diện theo quy định của pháp luật;

– Nội dung tố cáo có cơ sở để xác định người vi phạm, hành vi vi phạm pháp luật: Trường hợp tố cáo xuất phát từ vụ việc khiếu nại đã được giải quyết đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật nhưng người khiếu nại không đồng ý mà chuyển sang tố cáo người đã giải quyết khiếu nại thì chỉ thụ lý tố cáo khi người tố cáo cung cấp được thông tin, tài liệu, chứng cứ để xác định người giải quyết khiếu nại có hành vi vi phạm pháp luật.

– Vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết tố cáo của cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận tố cáo 

Bước 3: Xác minh nội dung trong đơn tố cáo hoặc nội dung của người trực tiếp đến tố cáo:

– Việc xác minh đơn tố cáo phải do cơ quan có thẩm quyền xác minh, hình thức xác minh là văn bản

– Người xác minh nội dung tố cáo phải tiến hành các biện pháp cần thiết để thu thập thông tin, tài liệu, làm rõ nội dung tố cáo. Thông tin, tài liệu thu thập phải được ghi chép thành văn bản, khi cần thiết thì lập thành biên bản, được lưu giữ trong hồ sơ vụ việc tố cáo.

– Trong quá trình xác minh, người xác minh nội dung tố cáo phải tạo điều kiện để người bị tố cáo giải trình, đưa ra các chứng cứ để chứng minh tính đúng, sai của nội dung cần xác minh.

Bước 4: Kết luận nội dung tố cáo:

Dựa trên những nội dung mà người kháng cáo giải trình, kết quả xác minh nội dung tố cáo, tài liệu, chứng cứ có liên quan, người có thẩm quyền giải quyết tố cáo sẽ ban hành kết luận nội dung tố cáo.

Trong văn bản kết luật nội dung tố cáo phải bao gồm nhưng thông tin sau:

– Kết quả xác minh nội dung tố cáo;

– Căn cứ pháp luật để xác định có hay không có hành vi vi phạm pháp luật;

– Kết luận về nội dung tố cáo là đúng, đúng một phần hoặc tố cáo sai sự thật; xác định trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến nội dung tố cáo;

– Các biện pháp xử lý theo thẩm quyền cần thực hiện; kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân khác áp dụng các biện pháp xử lý theo thẩm quyền đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có vi phạm pháp luật;

– Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật, áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Và trong vòng 5 ngày kể kể từ ngày ban hành kết luận nội dung tố cáo, người giải quyết tố cáo gửi kết luận nội dung tố cáo đến người bị tố cáo, cơ quan, tổ chức quản lý người bị tố cáo và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; thông báo về kết luận nội dung tố cáo đến người tố cáo.

Bước 5: Xử lý kết luận nội dung tố cáo của người giải quyết tố cáo: Do người có thẩm quyền giải quyết đơn tố cáo thực hiện.

 

5. Thời gian giải quyết đơn tố cáo theo luật?

Thời gian giải quyết đơn tố cáo như sau: 

– Giải quyết trong vòng 30 ngày đổ lại kể từ ngày thụ lý tố cáo.

– Trường hợp gặp các vụ việc phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo một lần nhưng không quá 30 ngày.

– Trường hợp vụ việc đặc biệt phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo hai lần, mỗi lần không quá 30 ngày.

– Người giải quyết tố cáo quyết định bằng văn bản việc gia hạn giải quyết tố cáo và thông báo đến người tố cáo, người bị tố cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.